Hotline: 0941068156
Thứ năm, 08/05/2025 15:05
Thứ tư, 07/05/2025 11:05
TMO - UBND huyện Cần Giờ vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan xin ý kiến hướng dẫn ứng phó và xử lý vết dầu loang sau sự cố va chạm tàu trên sông Lòng Tàu.
Trước đó, khoảng 22 giờ 40 phút ngày 25/4, hai tàu chở hàng KMTC SURABAYA (Panama) và tàu GENGLYLE (Hong Kong, Trung Quốc) va chạm nhau trên sông Lòng Tàu tại Khoảnh 7, Khoảnh 8 tiểu khu 5b - Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.
Sau va chạm, hai khoang chứa dầu của tàu GENGLYLE đã bị hư hỏng, dầu FO tràn ra ngoài sông Lòng Tàu. 36 khu vực trên các tuyến sông tại địa bàn huyện Cần Giờ xuất hiện vết dầu loang; dầu đã xâm nhập vào các bè cá, bè nuôi thủy sản của người dân tại một số tuyến sông. Vết dầu dính trên lá (cây tái sinh), thân, rễ cây rừng và đất rừng, tổng diện tích đất, cây rừng bị ảnh hưởng do dầu tràn gần 31ha. Có 20 hộ dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, với tổng sản lượng thiệt hại 3.368kg.
UBND huyện Cần Giờ đã nhận được dự thảo kế hoạch làm sạch bờ biển huyện Cần Giờ và hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu từ đại diện ủy quyền chủ tàu và các đơn vị chuyên môn mà chủ tàu chỉ định. Do chủ thể phương tiện gây ra tràn dầu thuộc đơn vị quốc tế, UBND huyện Cần Giờ kiến nghị UBND TP. HCM chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cảng vụ Hàng hải Thành phố căn cứ quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế, xác định cơ chế phối hợp giữa các bên trong ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại.
Các lực lượng chức năng đang xử lý sự cố tràn dầu ở Cần Giờ. Ảnh: TP.
UBND huyện Cần Giờ cũng kiến nghị UBND thành phố bố trí ngân sách Nhà nước tạm ứng để đảm bảo chi cho các công tác ứng phó. Toàn bộ kinh phí của hoạt động ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu, khắc phục môi trường, bồi thường thiệt hại kết thúc sự việc do chủ tàu chi trả để hoàn vào ngân sách thành phố đối với phần tạm ứng và chi trả bồi thường thiệt hại, các công việc liên quan xử lý môi trường cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Huyện Cần Giờ đã lập Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó sự cố khẩn cấp. Huyện đồng thời cũng khuyến cáo người dân, nhất là các hộ nuôi thủy hải sản trên địa bàn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn nguồn nước trong thời gian chờ xử lý. Huyện Cần Giờ đã đưa ra phương án xử lý sự cố để thành phố xem xét, trong đó nhiều bên sẽ cùng tham gia với việc phân chia vai trò và trách nhiệm cụ thể.
Dự kiến, lực lượng của thành phố sẽ có 150 người, thuộc nhiều đơn vị như Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, Công an thành phố, Cảng vụ hàng hải, Trung tâm ứng phó sự cố môi trường... Huyện Cần Giờ sẽ huy động khoảng 121 người thuộc các đơn vị như: uỷ ban, ban chỉ huy, Ban quản lý rừng phòng hộ... Đồng thời, cả thành phố và huyện dự kiến huy động gần 50 phương tiện tham gia ứng cứu như tàu, cano, sà lan...
Ngày 6/5 , UBND TP. HCM họp trực tuyến với Bộ Xây dựng về công tác ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu do va chạm giữa hai tàu chở hàng trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ). Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đề nghị TP. HCM phải có phương án riêng ứng phó tràn dầu cho sự cố này, cũng như phương án khắc phục ô nhiễm môi trường.
Đối với ứng phó sự cố tràn dầu, TP. HCM tiếp tục thu gom dầu tràn và dầu rò rỉ ra từ hai tàu và triển khai phương án ứng phó trong quá trình cứu hộ; đánh giá tác động và đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục. Trên cơ sở đó thống kê, đánh giá đầy đủ thiệt hại trước mắt và lâu dài; triển khai ngay các thủ tục pháp lý về bồi thường.
Thứ trưởng giao Cảng vụ hàng hải TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương rà soát có hiện tượng dầu loang từ khu vực này sang khu vực khác không, nếu có thì kịp thời báo cáo UBND TP. HCM để chỉ đạo xử lý.
Bên cạnh đó, TP. HCM xây dựng ngay phương án điều tiết giao thông trong khu vực để phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu, tránh ách tắc luồng, đảm bảo lưu thông thông suốt và công tác cứu hộ; hướng dẫn chủ tàu xây dựng phương án cứu hộ trình cấp có thẩm quyền. Cảng vụ hàng hải TP. HCM nhanh chóng điều tra nguyên nhân tai nạn, cân nhắc phương án giữ hai tàu để điều tra, xác định trách nhiệm bồi thường về môi trường, các chi phí khác và khắc phục hậu quả.../.
Trần Bình
Bình luận