Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ sáu, 19/07/2024 14:07
TMO – Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường; đồng thời tăng cường năng lực cho chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tăng cường liên kết và phối hợp giữa các vùng kinh tế - xã hội và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt) nêu rõ về công tác tổ chức giám sát thực hiện Quy hoạch. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng (Phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành về vai trò bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; Phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Lồng ghép tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc đánh giá kết quả công tác của người đứng đầu hằng năm. Tiếp tục tổ chức thực hiện đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường các địa phương hằng năm;
Đưa nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo chuyên ngành về môi trường trong hệ thống giáo dục đại học; Phát huy ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường. Thực hiện đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững hằng năm; Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả; tăng cường và phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... Hình thành và phát triển lối sống xanh, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa về bảo vệ môi trường; Tuyên truyền, vận động thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học).
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường (Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành chính theo hướng tăng mức phạt; Xây dựng và ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường; Rà soát, xây dựng và ban hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng theo quy định, nguồn nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt; Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cải tạo các bãi chôn lấp chất thải gây ô nhiễm; Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ môi trường, các công cụ kinh tế áp dụng trong bảo vệ môi trường; Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn).
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường (Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường; đồng thời tăng cường năng lực cho chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tăng cường liên kết và phối hợp giữa các vùng kinh tế - xã hội và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về môi trường theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng giảm “tiền kiểm”, tăng “hậu kiểm”, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp).
Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; áp dụng cơ chế kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan thanh tra và đơn vị công an nhân dân có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về môi trường; Tăng cường cung cấp, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý môi trường đến cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý môi trường các cấp; Tăng cường sự giám sát của cộng đồng cư, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân và cơ quan truyền thông đối với bảo vệ môi trường; phát triển và ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội, đường dây nóng... để đẩy mạnh giám sát về môi trường; Xây dựng và thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường, cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; Tăng cường năng lực quản trị môi trường trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề).
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường. Ảnh minh họa.
Tăng cường đầu tư tài chính (Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường. Triển khai các hình thức đối tác công tư (PPP) trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt; Huy động đầu tư từ xã hội hóa trong nước và quốc tế, bố trí ngân sách nhà nước hợp lý, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường; ưu tiên tăng cường năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách. Bố trí ngân sách nhà nước tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và khả năng ngân sách; rà soát, nghiên cứu cơ cấu lại các nhiệm vụ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường theo hướng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng; Đối với việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia và cấp vùng, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trung ương, địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối bên ngoài khu, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải trong khu;
Hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường. Chú trọng phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường, đặc biệt là tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường; Tích cực, chủ động đề xuất các dự án về bảo vệ môi trường để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới; Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng;
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải tiến, chuyển đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám và công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường; Thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải rắn xử lý bằng chôn lấp trực tiếp;
Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ trong quan trắc và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường; Ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, đồng bộ, cập nhật, chia sẻ và được kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành; bảo đảm thông tin môi trường được cung cấp kịp thời. Thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường; Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường; Thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam xứng tầm để giải quyết tốt những vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng).
Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường (Chủ động tham gia đàm phán, định hình các cam kết quốc tế trong các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chất thải nhựa; tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế trong lĩnh vực môi trường mà Việt Nam là thành viên; thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và các dự án quốc tế về bảo vệ môi trường; Tăng cường, vận động thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các định chế tài chính quốc tế, tổ chức quốc tế... để hỗ trợ nguồn lực (tài chính, kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng lực) thực hiện COP26, các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh).
HẢI YẾN
Bình luận