Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 17:11
Thứ năm, 18/07/2024 08:07
TMO - Vùng biển và ven biển, hải đảo của vùng đồng bằng sông Hồng đang đối mặt với nhiều tác động biến đổi khí hậu cực đoan, đe dọa việc sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường biển của vùng.
Theo các chuyên gia, vùng đồng bằng sông Hồng có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 08 tuyến cao tốc, chiều dài trên 490 km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội), 25 tuyến quốc lộ, chiều dài trên 2.000 km, 06 tuyến đường sắt quốc gia, 37 tuyến đường thủy nội địa, 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế. Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và địa phương quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư trong thời gian vừa qua; nhiều công trình giao thông có tính chất cửa ngõ lớn, hiện đại đã được xây dựng và phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, mặc dù hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, thách thức lớn như tính liên kết vùng còn hạn chế, kết nối hạn chế giữa các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực và các cực tăng trưởng của vùng, hoạt động kết nối đa phương thức vận tải chưa hiệu quả, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thủ đô, phát triển giao thông công cộng tại đô thị chưa có đột phá.
Tính đồng bộ giữa các loại hình vận tải chưa cao, chủ yếu là vận tải đường bộ, kết nối đa phương thức giữa đường bộ - đường thủy nội địa còn hạn chế. Hạ tầng đường sắt kém phát triển, chưa kết nối tốt với các công trình giao thông khác đặc biệt là cảng biển, việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường sắt tại vùng còn chậm. Hạ tầng đường thủy nội địa còn thiếu tính đồng bộ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tồn tại một số điểm nghẽn, hệ thống công trình phụ trợ còn yếu.
Hạ tầng giao thông - yếu tố chen chốt thúc đẩy phát triển vùng. Ảnh minh họa.
Hệ thống cảng biển thiếu cầu bến cho tàu có trọng tải lớn, đặc biệt là các bãi, bến cho tàu container vận hành trên các tuyến biển xa; hạ tầng sau cảng như: Hệ thống điện, nước và kết nối đường giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ và hàng không trong vùng và kết nối với mạng quốc gia... chưa đáp ứng yêu cầu để hệ thống logistics phát triển; hệ thống kho bãi, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, sàn giao dịch vận tải và dịch vụ logistics trong vùng còn nhiều bất cập cả về không gian, công nghệ, tính đồng bộ và liên thông.
Đối với công tác bảo tồn, phát triển kinh tế biển, vùng biển, ven biển của đồng bằng sông Hồng được đánh giá là vùng tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng các hệ sinh thái biển và có giá trị địa chính trị quan trọng ở khu vực. Khác với phần nội địa, không gian kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng có thể đồng thời diễn ra nhiều hoạt động với các mục đích khác nhau, từ quốc phòng, an ninh đến hoạt động phát triển các ngành kinh tế biển và bảo vệ, bảo tồn giá trị tự nhiên, tài nguyên, sinh thái biển. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao của các ngành kinh tế chưa phù hợp với chức năng sinh thái của biển, làm nảy sinh một số mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, và mâu thuẫn giữa chính các ngành kinh tế biển với nhau, làm suy giảm giá trị và khả năng đáp ứng các dịch vụ của biển đối với những nhu cầu sống còn của con người, gây ra các hệ lụy như suy giảm nguồn lợi, tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm, sự cố môi trường. Do đó, vùng biển và ven biển, hải đảo của đồng bằng sông Hồng cũng đang đối mặt với nhiều tác động biến đổi khí hậu cực đoan, đe dọa việc sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường biển của vùng.
Các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững không gian biển là chủ trương, định hướng lớn và trọng tâm của Đảng đối với việc khai thác, sử dụng không gian biển và phát triển các ngành kinh tế biển. Theo đó, Quy hoạch không gian biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết, làm cơ sở cho phát triển bền vững vùng biển đồng bằng sông Hồng nói riêng, hài hòa, thống nhất với không gian biển của cả nước nói chung, góp phần thực hiện thành công 3 trụ cột của quá trình phát triển bền vững là tăng trưởng cao, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường biển, sức khỏe của biển cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Để thực hiện các mục tiêu trên của vùng, việc phát triển các nguồn lực tài chính là yếu tố quan trọng. Cùng với việc nắm bắt các xu hướng phát triển thị trường tài chính thế giới; bám sát các chủ trương lớn của Đảng cần chú trọng những yếu tố đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, phát triển bền vững các nguồn lực tài chính, chú trọng xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng tài chính số và tài chính xanh, hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính khu vực và toàn cầu; phù hợp với điều kiện tài chính của địa bàn.
Phấn đấu GRDP bình quân vùng khoảng 9,0 - 9,5%/năm
Trước đó, ngày 4/5/2024, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu tăng trường GRDP bình quân vùng khoảng 9,0 - 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 11.000 - 12.000 USD/người. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 41%; công nghiệp - xây dựng khoảng 47%; nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,5% GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5% GRDP; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP.
Quảng Ninh và Hải Phòng, hai địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước. Ảnh minh họa.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 7,0%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 32 - 33 m2. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48 - 52%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 3%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn vùng, các tuyến đường bộ kết nối, các tuyến vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường bộ ven biển. Mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, hoàn thiện hạ tầng các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Theo Quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 02 tiểu vùng (phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng) với 01 vùng động lực quốc gia (bao gồm TP. Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), 04 cực tăng trưởng (gồm TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng) và 05 hành lang kinh tế (02 hành lang kết nối quốc tế; 03 hành lang kết nối vùng). Tiểu vùng phía Bắc gồm 07 tỉnh và thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Phát triển tiểu vùng phía Bắc gắn chặt với phát triển vùng Thủ đô Hà Nội.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot. Phát triển dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch tầm quốc tế; dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an ninh và trật tự xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.
Tiểu vùng phía Nam gồm 04 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình: Phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số lĩnh vực dịch vụ như vận tải, kho bãi và nhất là dịch vụ du lịch kết nối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng bờ và các nguồn lợi thủy, hải sản; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển…/.
VŨ MINH
Bình luận