Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 11:04
Ngày nay, nhiều siêu thị, Trung tâm thương mại hiện đại được xây dựng, một số chợ truyền thống cũng được nâng cấp thành Trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, với không ít người, cho dù đã cũ kỹ nhưng chợ truyền thống vẫn là điểm đến để tham quan, mua sắm.
Chợ Đồng Xuân (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) nằm trong khu phố cổ Hà Nội, có lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long xưa, chợ Đồng Xuân không chỉ đơn thuần là điểm giao thương, mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần, phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội xưa và nay...Đây không chỉ là địa điểm buôn bán, giao thương sầm uất, mà còn được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực giữa lòng Hà Nội”.
Chợ Long Biên (quận Ba Đình) là một trong những chợ có truyền thống lâu đời ở Hà Nội. Chợ hình thành từ năm 1992 nằm ngay dưới gầm cầu Long Biên (địa phận quận Ba Đình). Chợ là nơi tập kết, phân phối chủ yếu là nông sản từ các nơi.
Chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) là một trong những chợ truyền thống đã gắn bó với người dân phố cổ lâu đời, mang đậm dấu ấn văn hóa của Thăng Long - Kẻ Chợ xưa. Chợ Hàng Bè nổi tiếng với đồ ăn ngon, đủ loại đồ khô, gia vị, rau quả, thịt cá tươi... Đây cũng là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.
Chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) từ lâu đã là cụm ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội, khu vực chợ là điểm yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) cùng với chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên và chợ Hoa Quảng Bá... là 4 khu chợ lâu đời nhất tại Hà Nội. Chợ tọa lạc ở vị trí nổi bật trên đường Phố Huế đông đúc, tấp nập. Cấu trúc của chợ Hôm bao gồm 2 tầng: tầng 1 là nơi tập trung các quầy bán quần áo may sẵn và các phụ kiện, còn tầng 2 chủ yếu là các quầy bán vải. Ngoài ra, trong khuôn viên chợ còn có thiên đường ẩm thực phong phú.
Chợ Bưởi - vùng Kẻ Bưởi (thuộc quận Tây Hồ), là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên. Chợ Bưởi vẫn duy trì đều đặn một tháng sáu phiên. Chợ vào phiên, người dân ở khắp nơi đưa cây cảnh, hoa, con giống...về bán. Phổ biến nhất trong các phiên chợ Bưởi là cây cảnh, chủng loại đa dạng và có kích thước nhỏ. Không chỉ bày bán trong chợ, hàng hóa sản phẩm còn được bày bán dọc tuyến đường Hoàng Hoa Thám (đoạn chợ Bưởi - ngã tư Văn Cao).
Chợ Mơ (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng). Trong sách sử thời Nguyễn, nơi này được mô tả là "một chợ lớn trong tỉnh”, mỗi tháng họp 6 phiên, buôn bán đủ các mặt hàng nhưng chủ yếu là vật nuôi, cây cảnh. Ngày nay, chợ bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm khác nhau.
Chợ Thành Công (quận Ba Đình), được cải tạo từ năm 1995, gắn liền với đời sống của rất nhiều thế hệ dân cư khu tập thể Thành Công. Khu chợ này được coi là đầu mối cung cấp thực phẩm đa dạng cho đông đảo người dân ở hai khu Bắc và Nam Thành Công.
Chợ Nhà Xanh nằm trên đường Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những “siêu chợ” sinh viên lớn nhất Hà Nội. Khu chợ này nằm gần các trường đại học phục vụ chủ yếu cho đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên với nhiều mặt hàng "giá rẻ" như: quần áo, trang sức, giày dép, túi xách...
Theo tìm hiểu, một số hạng mục kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong nhiều khu chợ truyền thống đã xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý chất thải và phòng cháy chữa cháy. Được biết, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Đây được xem là giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô.
Bài và ảnh: DƯƠNG PHÚC
Bình luận