Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 23:02
Suốt 7 thập kỷ, các chứng nhân lịch sử của Thủ đô vẫn đứng vững trước những cuộc chiến khốc liệt. Dù thời gian mang đến nhiều đổi thay, nhưng giá trị lịch sử vẫn vẹn nguyên, khơi dậy niềm tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc.
Cột cờ Hà Nội hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội (quận Ba Đình) nơi đã chứng kiến bao thăng trầm của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Năm 1945, sau thành công của Cách mạng tháng Tám, nơi đây là nơi đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay, khẳng định nền độc lập.
Cầu Long Biên (nối quận Hoàn Kiếm – Long Biên), biểu tượng vững chãi của thời gian, được mệnh danh là “chứng nhân lịch sử”, đã chứng kiến bao thời khắc hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cây cầu đã cùng Hà Nội đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành minh chứng sống động cho lòng kiên cường và bất khuất. Không chỉ mang trong mình dấu ấn của những trận chiến, Cầu Long Biên còn là con đường kết nối hàng nghìn người dân từ ngoại ô về với Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mở ra trang sử mới cho dân tộc.
Chợ Đồng Xuân, nằm trong khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm), từng là pháo đài kiên cố bảo vệ phía Bắc Thủ đô và là nơi diễn ra trận chiến lớn nhất của Liên khu 1. Tại đây, những chiến sĩ cảm tử đã khắc ghi dấu ấn của lòng dũng cảm và sự hy sinh anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô. Chợ Đồng Xuân cũng chính là con đường mà đoàn quân tiếp quản Thủ đô tiến bước, hội quân về Thành cổ Hà Nội, đánh dấu bước chuyển lịch sử quan trọng trong hành trình giành lại hòa bình cho Thủ đô.
Bên trái Chợ Đồng Xuân, nơi giao với phố Hàng Khoai, là đài tưởng niệm những chiến sĩ anh dũng đã hy sinh vì Tổ quốc. “Lễ dâng hương kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô” được trang trọng tổ chức tại đây, thu hút đông đảo người dân đến thắp hương, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và tưởng nhớ những người anh hùng bất khuất đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc. Tại đây, lực lượng chức năng phường Đồng Xuân tham gia giám sát chặt chẽ để buổi lễ dâng hương diễn ra thuận lợi.
Tượng đài “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” đặt tại vườn hoa Hàng Đậu (quận Ba Đình). Tượng đài không chỉ là nơi tri ân, mà còn là biểu tượng vinh quang tôn vinh lòng kiên cường, bất khuất của những người con đất Việt đã hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tử để bảo vệ nền tự do cho Tổ quốc.
Tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình) được xây dựng từ năm 1894. Tháp nước Hàng Đậu là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho quan chức, binh lính Pháp và người dân khu vực trung tâm thành phố.
Tòa Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ toạ lạc trên phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm), là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây đã ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc khi gắn liền với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong hành trình đấu tranh vì độc lập tự do.
Tháp Rùa (hồ Hoàn Kiếm) là biểu tượng lịch sử, văn hóa và du lịch đặc trưng của Hà Nội, mang trong mình vẻ đẹp cổ kính và sự linh thiêng, gắn liền với hồn thiêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tháp được xây dựng năm 1884-1886.
Phố Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) là tuyến đường lịch sử, nơi những chiến sĩ Bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, tiến bước oai hùng trong ngày tiếp quản Thủ đô, đánh dấu khoảnh khắc vinh quang trong hành trình giành lại độc lập và tự do cho Hà Nội.
Nhà Hát Lớn Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), nơi vang lên tiếng còi lịch sử báo hiệu lễ thượng cờ vào lúc 15h ngày 10/10/1954, đánh dấu thời khắc thiêng liêng trong ngày tiếp quản Thủ đô, đã trở thành biểu tượng văn hóa không thể thiếu của Hà Nội. Suốt hơn một thế kỷ, nhà hát đã đóng vai trò là trung tâm văn hóa quan trọng, nơi diễn ra những sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn. Như một chứng nhân trầm mặc, Nhà Hát Lớn đã chứng kiến bao biến cố lịch sử và văn hóa của Thủ đô, in đậm dấu ấn cổ kính, trang nghiêm, hòa vào hồn cốt nghìn năm văn hiến của Hà Nội.
Bài, ảnh: NGUYỆT PHƯƠNG
Bình luận