Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 25/05/2025 07:05
Nếu xét về hiệu quả kinh tế, không phủ nhận mô hình nhà kính (tức là sản xuất nông nghiệp trong nhà kính) mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu xét về thiên tai, môi trường thì việc phát triển tràn lan mô hình “nhà kính” này lại là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng ngập úng, sạt lở.
Chỉ trong hơn một tháng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra nhiều điểm sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và tình trạng ngập úng ở TP Đà Lạt xảy ra thường xuyên. Về nguyên nhân thì “mưa lớn kéo dài” là cùm từ mà cơ quan chức năng Lâm Đông hay sử dụng để cho rằng tình trạng sạt lở, ngập úng chủ yếu là do thời tiết (tức do khách quan). Phải khẳng định rằng mưa lớn kéo dài là một trong những nguyên nhân bởi khi lượng nước đổ xuống quá lớn, không tiêu thoát kịp sẽ dẫn đến ngập úng và sạt lở đất đá cũng từ mưa lớn mà ra. (Ảnh: P. Tuấn).
Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ quen thuộc “đổ lỗi” cho thời tiết mà không đánh giá đúng bản chất vấn đề thì thực trạng ngập úng, sạt lở không những không giảm mà nguy cơ còn xả ra với tần suất cao hơn, nghiêm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu không ngừng tăng dẫn đến xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Câu chuyện về “mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà kính” tại TP. Đà Lạt là minh chứng rõ nét nhất về tác hại của việc phát triển nhà kính ồ ạt.
Từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 6 năm sau, tức năm 2010, toàn tỉnh đã phát triển hơn 6.400 ha diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó nhà kính là 1.170ha; năm 2015 diện tích này tiếp tục tăng lên hơn 43.000ha và nhà kính đạt gần 3.150ha. Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là 60.200ha, và diện tích nhà kính đạt gần 4.350ha, trong đó phần lớn diện tích nhà kính tại TP. Đà Lạt.
Theo các chuyên gia, do việc phát triển nhà kính thiếu sự kiểm soát, đặc biệt là những diện tích nhà kính xâm phạm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh... đã ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Cùng với đó, phần lớn diện tích nhà kính không đạt chuẩn, mật độ xây dựng quá cao, không có hệ thống thu, thoát nước đã tạo ra dòng chảy lớn, gây lũ quét và làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và nhiều hệ lụy khác.
Do hiệu quả kinh tế mang lại quá lớn, người dân đã phát triển rất nhanh mô hình này. Cũng nhìn nhận về phía Nhà nước cũng chưa kịp thời có những quy định và khuyến cáo cụ thể cho nông dân. Để nhà kính phát triển tự phát, họ xây dựng mật độ cao, sát nhau, tác động đến môi trường, đến hệ sinh thái…
Trước thực tế này, từ tháng 10/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này xây dựng đề án quản lý, kiểm soát, giảm thiểu tác hại của nhà kính, nhà lưới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung triển khai các giải pháp để giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện lân cận. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính so với hiện tại, và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính trong nội ô Đà Lạt.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, xây dựng các bước di dời, giải tỏa diện tích nhà kính xây dựng trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không sử dụng nhà kính; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ… gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường. Tổng kinh phí thực hiện gần 177 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 1,7%, còn lại là vốn của các tổ chức, cá nhân. UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, việc di dời, giải tỏa diện tích nhà kính trong nội ô, nội thị Đà Lạt và các huyện lân cận nhằm tăng cường quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “nông nghiệp công nghệ cao phải là nhà kính”, nhưng thực tế là không phải vậy. Nhà kính, nhà lưới chỉ là một trong các nội hàm, hạ tầng của nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà chỉ có tập trung sản xuất rau và hoa. Trong khoảng 20 năm qua thì diện tích nhà kính trên địa bàn TP Đà Lạt phát triển rất là nhanh, chuẩn hóa nhà kính đã đặt ra nhưng đòi hỏi giá trị đầu tư cao, các chủ hộ không có đủ điều kiện nên họ làm nhà kính bán kiên cố, bán hiện đại và nhà kính mang tính chất tạm thời… nên phát triển tốc độ nhanh.
Theo kế hoạch, định hướng sau năm 2030 diện tích nhà kính ở trung tâm TP. Đà Lạt sẽ được di dời ra các vùng ven. Tuy nhiên nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, bởi vấn đề không chỉ nằm ở việc di chuyển đi đâu, đến vị trí nào...mà vấn đề nằm ở khâu quy hoạch phát triển mô hình này phải phù hợp thực tiễn, tính toán đến yếu tố “sức chống chịu” với thiên tai và cân bằng được quy luật tự nhiên, thiên nhiên.
“Nhà kính” được bao bọc bởi lớp khung nhà kính chắc chắn và các loại vật liệu bao bọc có độ bền cao giúp tạo ra môi trường sống và phát triển tốt cho các loại cây trồng (chủ yếu là hoa và rau). Nhà kính giúp cây trồng tránh được những điều kiện thời tiết xấu như sương mù, sương muối, mưa đá,...và bảo vệ cây khỏi những tác động xấu của tia cực tím mặt trời nhờ lớp phủ UV cao cấp trên bề mặt vật liệu. Ngoài ra, “Nhà kính” cũng giúp kiểm soát, hạn chế các loại mầm sâu bệnh cho cây trồng. Nhiệt độ và độ ẩm sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng loại cây trồng khác nhau, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao từ chất lượng sản phẩm.
HOÀI AN – VĂN THỊNH
Bình luận