Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/02/2025 13:02
Với lòng tiếc thương vô hạn, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, từ sáng sớm nay (25/7) – ngày tổ chức Quốc tang đầu tiên Tổng Bí thư, nhân dân từ khắp mọi miền đất nước đã tập trung về khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) với mong muốn được đến viếng và tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đã tận hiến cuộc đời mình cho đất nước, Nhân dân.
Những ngày qua, nhân dân cả nước bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực của đất nước. Bác Hoàng Phúc Vạn (60 tuổi) ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm nay chỉ mong được tạo điều kiện để được vào viếng và tiễn biệt Tổng Bí thư.
Những người dân từ Thái Bình, Yên Bái đã có mặt tại Hà Nội ngay từ sáng sớm để mong được vào viếng Tổng Bí Thư lần cuối với niềm tiếc thương vô hạn. Bác Đặng Thị Phượng (áo xanh) sinh sống tại Thái Bình xúc động chia sẻ: Với mỗi người dân Việt Nam sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát không thể nào bù đắp, vì vậy tôi đã bắt xe lên Hà Nội thật sớm để tiễn biễn Bác, mong được vào trong để tiễn biệt Tổng Bí thư.
Cô Nguyễn Thị Lân (57 tuổi -Nam Định) không giấu nổi sự xúc động trong giờ phút này: Dù biết quy luật đất trời “sinh lão bệnh tử”, dù Tổng Bí thư cũng đã tuổi cao sức yếu, song tôi vẫn không muốn tin là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mãi mãi ra đi. Đây là một mất mát quá lớn không sao diễn tả được bằng lời cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Với những cống hiến lớn lao của Bác, tất cả người con của dân tộc đều mong được vào viếng Bác trong giờ phút này.
Ông Đỗ Mộng Hùng (90 tuổi – phố Lò Đúc, Hà Nội) có mặt từ sáng sớm tại khu vực gần nhà tang lễ, bồi hồi nhìn dòng người đến viếng chia sẻ: Cho đến lúc này, tôi vẫn thấy cảm giác bàng hoàng, tiếc thương xáo trộn hết tâm can. Chỉ cách đây ít ngày, khi nghe tin trên báo đài về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư, tôi đã rất lo lắng, mong là không có chuyện gì xảy ra, thế rồi nghe được tin buồn, tôi như bị sét đánh ngang tai. Từ lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng tôi là một người luôn vì nước vì dân.
Gần sát giờ cử hành Quốc tang, người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tập trung đông đảo gần khu vực nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, ai cũng mong ngóng được vào trong viếng Bác.
Bác Nguyễn Thị Sinh (Hoàng Mai Hà Nội) chia sẻ: Tôi thương Bác vô cùng, lẽ ra ở tuổi nghỉ ngơi bên gia đình, thì Bác vẫn phải lo toan công việc của đất nước, với bao khó khăn, vất vả.
Trong giờ phút này, tất cả người con Việt Nam đều hướng về Bác. Tổng Bí thư đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trọn đời vì nước, vì dân.
Từ 5h sáng, nhiều người dân đã tập trung tại khu vực nhà tang lễ quốc gia để cùng mong được vào trong viếng Bác, tiễn biệt Tổng Bí thư là người có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ai cũng mang trong mình niềm tiếc thương vô hạn, sự kính trọng vô cùng dành đến Tổng Bí thư. Trước sự mất mát to lớn này, những người con của dân tộc mong được vào viếng Bác lần cuối để nguôi ngoai phần nào.
Những con phố quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông chật kín người.
Nhiều người cao tuổi mong ngóng được vào viếng Bác đã hỏi trực tiếp hỏi lực lượng chức năng để được hướng dẫn.
Nhiều người cao tuổi cho biết: Chúng tôi dù cũng đã lớn tuổi, dẫu hiểu sinh – lão – bệnh – tử là quy luật nhưng sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư đã để lại quá nhiều nỗi xúc động, bồi hồi. Có thể nói, cả cuộc đời của đồng chí Tổng Bí thư đã cống hiến đến giây phút cuối cùng cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.
Tại Hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà (Đông Anh) - Quê nhà Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng, hàng nghìn người dân có mặt từ rất sớm để viếng Tổng Bí thư. Nhiều người cho biết, công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất lớn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, đây là sự mất mát rất lớn đối với người dân chúng tôi.
Người dân nhất là những người lớn tuổi đều cố gắng đến khu vực gần nhà tang lễ quốc gia, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng chức năng để được vào viếng Bác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5, phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.
Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 07 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 07 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024.
Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
NHÓM PHÓNG VIÊN
(Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trương)
Bình luận