Đại uý Trần Đoàn, Đội CSGT số 6 (Công an Hà Nội) cho biết, theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015... Phòng Cánh sát giao thông Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát chặt các tuyến đường. Để xe tự chế xe ba gác không còn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Gặp những trường hợp chống đối, không đúng đối tượng điều khiển đơn vị đề xuất có sự phối hợp cùng của ngành lao động, thương binh xã hội, Hội Cựu chiến binh cùng vào cuộc.
Trước đó, tháng 5/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản 1370/UBND-TH gửi Công an thành phố; Sở Giao thông Vận tải; UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa tuy nhiên đến nay tình trạng xe cà tàng, xe ba gác không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên chạy trên đường.
Bài và ảnh: Dương Phúc
Bình luận