Một quán bia trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) bầy bàn ghế kín vỉa hè.
Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn, bắt đầu từ khi triển khai Kế hoạch đến hết ngày 28/2/2023.
Giai đoạn 2: Tổ chức ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, từ 1/3/2023 - 31/3/2023; mục tiêu kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên toàn địa bàn Thành phố; phát hiện, xử lý 100% các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “Giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Giai đoạn 3: Sau giai đoạn tổng kiểm tra xử lý, các đơn vị tiếp tục duy trì hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn, kiên quyết không để vi phạm tái diễn, từng bước đưa việc chấp hành trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị của cán bộ, công nhân viên và nhân dân đi vào nề nếp...
Nhìn nhận từ thực tế rất nhiều tuyến phố cứ vắng bóng lực lượng chức năng, chủ các hàng quán lại bày la liệt bàn, ghế trên vỉa hè trở thành "lãnh địa" riêng để buôn bán, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp ra quân, xử lý chỉ là "cắt ngọn". Với tình trạng vỉa hè thành nơi mưu sinh của rất nhiều người dân đô thị hiện nay, cần tính đến bài toán kinh tế vỉa hè để vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tiêu cực mà còn giúp vỉa hè ngăn nắp hơn.
Đặc thù của Việt Nam từ trước đến nay, vỉa hè là nơi kinh doanh, kiếm tiền mưu sinh của nhiều người dân. Trên thế giới, nhà của dân sống theo cụm còn việc kinh doanh buôn bán thì ở nơi khác. Đơn cử như tại Pháp, các quán cà phê và nhà hàng sử dụng vỉa hè để kinh doanh đều phải xin phép và phải trả phí, tùy theo khu vực và địa hình. Càng vị trí trung tâm, thì mức phí càng cao. Nguồn thu từ các loại phí này đã góp phần vào việc chỉnh trang, duy trì hạ tầng và dịch vụ công ích.
Các thành phố lớn như: Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã thu phí sử dụng vỉa hè cách nay hơn 20 năm, và đã trở thành chuyện bình thường, không còn bàn cãi nữa. Còn tại Việt Nam, nhà ở của người dân ít theo cụm mà ở theo tuyến đường giao thông, chính vì thế vỉa hè mới được tận dụng để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, luật pháp hiện không cho phép sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh, do đó, phương án cho phép "sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí" cần được nghiên cứu.
Bài và ảnh: Dương Phúc
Bình luận