[Photo Story] Thác Bản Giốc – Kỳ quan nơi biên giới
Thác Bản Giốc được xem là dòng thác đẹp nhất Việt Nam, nơi đây còn mang đậm nét nguyên sơ, thuộc hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng.
| 0
Thác Bản Giốc nằm trên địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác có độ cao khoảng 35 m và rộng khoảng 300 m, xếp thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau với những tên gọi khác nhau như Đuây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Ngà Trang, Ngà Vài, Ngà Rằng, Thoong Áng... Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Từ phía xa có thể nghe thấy tiếng thác nước chảy ầm ào vang động cả một vùng đất rộng lớn.
Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây xẻ dòng sông thành ba lồng nước như ba dải lụa trắng. Vào những ngày hè oi ả không khí ở đây vẫn mát lạnh và vào mỗi ban mai ánh mặt trời chiếu qua làn hơi nước tỏa thành dải cầu vồng lung linh, huyền ảo.
Thác Bản Giốc vào mùa khô hay mùa mưa đều có những nét đẹp riêng. Mùa mưa thác nước chảy mạnh, mùa khô, thác mang một vẻ thanh bình, yên ả. Ngày đêm, thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng khiến vô vàn hạt bụi nước li ti tung lên, tỏa mờ cả một vùng rộng lớn.
Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Vào những ngày nắng, trên mặt sông, hơi nước tạo một khoảng sương mù soi rọi dưới ánh nắng mặt trời tạo nên những cầu vồng lung linh, huyền ảo.
Với nét đẹp thiên nhiên quyến rũ hòa cùng vẻ thanh bình của làng quê, năm 1997, thác Bản Giốc được công nhận là thắng cảnh cấp Quốc gia. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và xúc tiến quảng bá tiềm năng; khu du lịch thác Bản Giốc ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm tới thưởng ngoạn.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch thác Bản Giốc với mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của Quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.
Xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc có các khu chức năng và hạ tầng đồng bộ, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ theo hướng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường. Bố trí dân cư, hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch đảm bảo phát triển và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng, bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị cảnh quan đặc biệt của khu vực.
Ngày 15/9/2023, danh thắng thác Bản Giốc được vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) là tiền đề để đưa Khu cảnh quan này vào vận hành chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt-Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển.
Mới đây, ngày 3/10, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng”. Hội nghị nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa… của tỉnh Cao Bằng đến các đối tác quốc tế; giúp tỉnh Cao Bằng mở rộng không gian hội nhập quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn các kết nối quốc tế, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực.
Theo các chuyên gia, Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu và là bức “phên giậu” vững chắc tại biên cương phía Bắc Tổ quốc, gắn liền với nhiều hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tỉnh Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tỉnh Cao Bằng cần xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa vào tiềm năng và lợi thế sẵn có, đặc biệt về phát triển du lịch; nông, lâm nghiệp gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên.
TMO – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị G20 cần tiên phong trong kết nối nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và kiến tạo hệ sinh...
TMO - “Tăng cường quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, chính sách và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch” là một...
TMO – Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đặt ra 38 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, được giao cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với thời gian thực hiện nhất định,...
TMO - Mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới phát triển bền vững được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực tại các quốc gia: Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Bình luận