Hotline: 0941068156
Thứ năm, 10/07/2025 07:07
Sen đang vào mùa thu hoạch chính, người dân xã Bình Giang (tỉnh Ninh Bình) tất bật tranh thủ từng ngày hái hoa, tách đài, bóc hạt để kịp cung ứng ra thị trường.
Từ sáng sớm, trên các ruộng sen ở xã Bình Giang, không khí thu hoạch đã rộn ràng. Những người nông dân len lỏi giữa cánh đồng sen rộng lớn, cắt từng bông hoa, từng đài sen rồi đưa vào sơ chế ngay trong ngày.
Các hộ trồng sen nơi đây cho biết, mùa thu hoạch sen thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, đây là thời điểm sen nở rộ, hạt mẩy, chất lượng tốt.
Cây sen được trồng chủ yếu ở các vùng đất trũng, thấp, xen canh với lúa. Mô hình xen canh (lúa – sen) được người dân duy trì và mở rộng, nhờ đặc tính dễ sống, ít sâu bệnh, không cần thuốc bảo vệ thực vật, lại có thể khai thác giá trị kinh tế từ hầu hết các bộ bận như hạt, hoa, ngó, đài,..., sen đang trở thành cây trồng chủ lực ở một số vùng nông thôn.
Việc tận dụng mặt nước tự nhiên để canh tác không chỉ giúp người dẫn nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế mà còn góp phần hướng tới nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Gia đình ông Hùng (hộ trồng sen tại thôn 5, xã Bình Giang), cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 7 sào sen. Mỗi ngày bóc được 20–40 kg hạt tươi, bán giá hiện tại khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Hoa và đài sen cũng tiêu thụ tốt, dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/bông. Vụ sen ngắn ngày nhưng nếu chăm đều, có thể thu về khoảng 40–50 triệu đồng mỗi vụ, trừ chi phí vẫn có lãi khá.”
Sen trồng tại Bình Giang được nhiều thương lái lựa chọn nhờ hạt chắc, thơm, dẻo, phù hợp để chế biến các món ăn truyền thống như chè sen, mứt sen, sữa sen… Với chất lượng ổn định, sản phẩm sen nơi đây được tiêu thụ đều tại thị trường Ninh Bình và thị trường Hà Nội, Hưng Yên,..., góp phần giúp người dân yên tâm duy trì và mở rộng diện tích trồng.
Không chỉ riêng xã Bình Giang, cây sen cũng được trồng rải rác tại các xã lân cận như Bình An, Bình Lục, Bình Mỹ,… thuộc tỉnh Ninh Bình. Mỗi hộ có quy mô khác nhau, phần lớn tận dụng diện tích ruộng trũng, chân thấp sau vụ lúa để trồng sen lấy hạt và hoa.
Cùng với hiệu quả kinh tế, mô hình trồng sen còn góp phần cải thiện cảnh quan, giữ nước và tạo môi trường canh tác xanh. Nhiều hộ dân tận dụng mùa hoa để mở dịch vụ chụp ảnh đồng sen, kết hợp bán các sản phẩm từ sen, góp phần nâng cao giá trị nông sản và đa dạng sinh kế.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, việc phát triển cây sen phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững./.
THU HIỀN
Bình luận