Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 11:04
Cụm cây cổ thụ bao gồm cây sanh, cây đa lông và cây hoa đại tại đền Quán Đôi (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản từ năm 2012. Sự vinh danh này không chỉ đáp ứng nhu cầu về bảo vệ cảnh quan môi trường, mà nó còn đáp ứng nhu cầu văn hóa, tự do tín ngưỡng của người dân địa phương.
Đền Quán Đôi thuộc địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời Lý - Trần, di tích thuộc vùng đất kẻ Bưởi là một vùng đất cổ, mảnh đất chiến lược quân sự qua các thời đại. Trong khuôn viên đền hiện có cụm Cây Di sản gồm cây sanh, cây đa lông và cây hoa đại được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận vào tháng 7/2012. Đây là cụm cây đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Cây đa nằm ở vị trí bên trái trước đền Quán Đôi, có chu vi thân 6,4 mét, cao 25 mét. Cây đa có dáng đẹp, dễ trồng, tuổi thọ cao nên được trồng để tạo cảnh quan cho đền và lấy bóng mát.
Cây sanh nằm ở vị trí trước đền Quán Đôi, theo quan sát gốc chính và các nhánh rễ của cây bao phủ khoảng diện tích 35 m2, chu vi thân chính 2 mét, cao khoảng 13 mét.
Cây đại hoa trắng nằm sát vị trí bên trái đền trên 200 tuổi, thân có chu vi 1,2m, cao 10m. Đây là cây gỗ nhỡ thân sần sùi, có mủ trắng, mang nhiều cành mập. Năm 2002, cây đại hoa trắng bị đổ vào đền. Khi đó, nhà đền phải rất khó khăn trong việc dựng lại cây. Hiện cây đang phát triển tốt.
Cây sanh và cây đa lông tại đền Quán Đôi với bộ thân rễ lớn, cắm sâu xuống đất tạo thế vững chắc.
Với tuổi đời lên tới 300-400 năm nên thân cây đa, cây sanh có nhiều nhánh con bám xung quanh thân.
Không chỉ cây đa, cây sanh, tại đền Quán Đôi còn có cây đại hoa trắng được coi như “báu vật” trên 200 năm tuổi.
Hơn 18 năm chăm sóc và bảo vệ cây, ông Côn (60 tuổi, người dân địa phương) cho biết, 3 cây cổ thụ đã gắn bó với dân làng chúng tôi từ nhiều đời nay. Nhiều năm qua bất kể mưa hay nắng tôi đều có mặt tại đền để dọn dẹp, chuẩn bị hương hoa cúng lễ. Tới năm 2012 thì đền Quán Đôi cùng cụm 3 cây sanh, cây si và cây đại chính thức được vinh danh trở thành Cây Di sản Việt Nam. Cùng với đó đền cũng được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của thành phố Hà Nội”.
Ông Nguyễn Hữu Nguyện thủ từ đền Quán Đôi chia sẻ: “Tương truyền các Cây Di sản này được trồng từ thời Lý - Trần, trước đây di tích của đền thuộc vùng đất cổ có tên là đất kẻ Bưởi. Kẻ Bưởi cũng là một khu chiến lược quân sự quan trọng của các thời đại. Dấu ấn lịch sử vàng son nhất trong quá trình chống giặc ngoại xâm, xâm phạm bờ cõi đất nước còn ghi lại ở các di tích lịch sử văn hoá như đình An Phú, Chùa Hoa Lăng, đền Quán Đôi. Đền Quán Đôi chính là nơi thờ phụng tưởng nhớ những vị công thần có công giúp vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Ma Na, bảo vệ bờ cõi, độc lập dân tộc ở thời Lý”.
Đền Quán Đôi được xây dựng sát bờ sông Tô Lịch, hàng cây cổ thụ phía trước đền quanh năm toả bóng xanh mát, mang đến cảm giác tĩnh lặng, an yên cho bất cứ ai đến nơi đây vãn cảnh hay lễ phật. Vào các dịp lễ tết hay mùng một, ngày rằm, người dân khắp nơi trở về đây dâng hương cầu tài cầu phúc, có sức khoẻ, may mắn.
Đến nay cụm Cây Di sản tại đền Quán Đôi vẫn đang phát triển xanh tốt và được người dân địa phương tích cực bảo vệ, chăm sóc. Bởi lẽ, việc được vinh danh Cây Di sản Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu về bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa, tự do tín ngưỡng của người dân. Vì thế, cán bộ và nhân dân địa phương quyết tâm bảo vệ và tôn tạo ngày càng tốt hơn khu di tích lịch sử văn hóa này, trong đó có cụm cây Di sản.
Theo tiêu chí xét duyệt của Hội đồng Cây Di sản (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), để được công nhận là Cây Di sản Việt Nam cần phải đạt các điều kiện như cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25 m, chu vi trên 15 m), có hình dáng đặc sắc. Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét đặc biệt.
Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Bình luận