Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 08:02
Cây thị cổ thụ với tuổi đời lên đến 552 năm tại làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam năm 2015.
Theo các cụ cao niên trong làng vào đời vua Lê Thánh Tông, khoảng năm 1470 - 1471, ngài thủy tổ Hoàng Minh Hùng sau khi đánh đuổi quân Chiêm Thành đã đi xem xét đến nguồn Ô Lâu rồi chiêu tập nhân dân lập làng. Do đó cây thị có thể được trồng lên theo dấu chân khai canh của những cư dân Đại Việt.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, cây thị được coi là chứng nhân lịch sử ghi dấu những đổi thay và phát triển của đời sống bao lớp người dân làng Phước Tích. Tuổi đời lên đến vài trăm năm nên thân cây thị có nhiều khối u sần sì. Mặc dù, đường kính thân rất lớn nhưng cây thị chỉ có 1 nhánh lớn vươn dài về hướng Tây.
Theo quan sát, cây thị cao khoảng 25m, chu vi thân to hơn 6m vẫn xanh tốt, cành lá sum suê, toả rộng che bóng mát cả một khu vực ngôi miếu thờ Thánh mẫu PoNagar của người Chăm đã được Việt hoá.
Điều đặc biệt là, dù rỗng ruột nhưng cây thị này vẫn xanh tốt trường tồn cùng thời gian.
Cành cây lớn vươn dài được Ban Quản lý Di tích dùng thanh sắt chắc chắn để nâng đỡ.
Theo người dân địa phương thân cây bị rỗng ruột từ lâu đời và phần rỗng dễ dàng leo lên bên trong thân cây quan sát địch và cây cũng che chở an toàn cho các lực lượng kháng chiến trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Bên trong thân cây nhô ra nhiều phần gỗ xỉn màu và như một “hang động” có độ rộng vừa đủ một người lớn chui lọt.
Từ bên trong thân cây thị nhìn lên bằng mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy những tán lá xanh tốt trên phía ngọn cây.
Tháng 6 năm 2015 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận cây thị ở làng Phước Tích là Cây Di sản Việt Nam, qua đó góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của cây thị. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn thiên nhiên và làm giàu thêm một địa điểm mới mẻ về du lịch, khi du khách tìm về ngôi làng cổ Phước Tích, ngôi làng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia năm 2009.
Hoạt động vinh danh, bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng, triển khai từ năm 2010. Sau 13 năm, đến nay đã có gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ trên khắp các vùng miền đất nước và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động cộng đồng tiêu biểu, nổi bật, hiệu quả cao của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Hoạt động này cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết Đại hội VIII nhiệm kỳ mới (2023-2028).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 tại Hà Nội. Theo đó, Đại hội sẽ nghe Báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ (2018-2023); Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới (2023-2028); Xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt về nhân sự và Điều lệ hoạt động. Đại hội dự kiến có khoảng 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành, tổ chức, đoàn thể, các đơn vị trực thuộc, hội thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học...sẽ tham dự. Cũng trong dịp này, Hội sẽ tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập (26/11/1988- 26/11/2023).
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Bình luận