Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 11:04
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, cây đa tía cổ thụ hơn 1.000 năm tuổi trong khuôn viên miếu cổ làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang phát triển tốt và là niềm tự hào của người dân địa phương khi cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Theo các cụ cao niên trong làng cổ Vạn Phúc kể lại, cây đa tía không chỉ tượng trưng cho ý chí của người dân nơi đây trong những năm tháng chiến tranh mà còn là nơi hội tụ linh khí của làng.
Trong không gian tự nhiên với thảm thực vật đa dạng, cây đa tía có niên đại hàng nghìn năm sừng sững như một chứng nhân gắn liền với nhiều giai đoạn phát triển.
Theo ghi chép còn lưu lại tại miếu cổ, năm 1941 miếu làng Vạn Phúc là địa điểm hội họp của Đoàn Thanh niên cứu quốc xã. Ông Nguyễn Văn Cộng thủ từ miếu cổ cho biết: “Tôi cũng không biết chính xác cây đa được trồng từ bao giờ, chỉ biết đã có từ rất lâu đời. Các hốc lớn của cây đa tía khi xưa là nơi cất giấu những văn kiện bí mật phục vụ kháng chiến. Nhiều thông tin liên lạc của bộ đội, thông tin quan trọng được để vào đó mà giặc không hề ngờ tới”.
Trải qua nhiều biến cố của thời gian, cây đa tía đã ghi dấu những đổi thay và phát triển của bao lớp người dân làng Vạn Phúc. Mặc dù tuổi đời đã hơn 1.000 năm nhưng cành lá vẫn mọc xanh tốt, tán cây xoè rộng, cành lá xum xuê.
Trải qua hàng nghìn năm, nhiều đoạn thân cây đã mục ruỗng tạo thành các hang hốc nhưng lá vẫn tươi tốt quanh năm.
Năm 2013 cây đa tía tại miếu cổ làng Vạn Phúc chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”. Việc bảo vệ gìn giữ, chăm sóc cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam không những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mà còn giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Theo quan sát, cây đa cao khoảng 25m, chu vi to hơn 4m. Cây có bộ rễ rất lớn, bám chặt vào lòng đất, thân cây xù xì.
Ngoài bộ rễ chính, cây còn có thêm 1 nhánh rễ phụ, cả bộ rễ to tạo thành khối đế vững chắc cho cây. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của cây đa tía.
Không chỉ gắn với các nghi lễ tâm linh, cây đa tía cổ thụ từ lâu đã đi vào đời sống của người dân làng Vạn Phúc.
Người dân Vạn Phúc bao đời nay luôn tự hào vì có cây đa Di sản, nguồn gen vô cùng quý báu. Nhờ có sự chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ của người dân mà đến nay cây đa tía vẫn xanh tươi, toả bóng rợp mát cho miếu cổ.
Hoạt động vinh danh, bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng, triển khai từ năm 2010. Sau 13 năm, đến nay đã có gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ trên khắp các vùng miền đất nước và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động cộng đồng tiêu biểu, nổi bật, hiệu quả cao của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Hoạt động này cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết Đại hội VIII nhiệm kỳ mới (2023-2028).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 tại Hà Nội. Theo đó, Đại hội sẽ nghe Báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ (2018-2023); Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới (2023-2028); Xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt về nhân sự và Điều lệ hoạt động. Đại hội dự kiến có khoảng 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành, tổ chức, đoàn thể, các đơn vị trực thuộc, hội thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học...sẽ tham dự. Cũng trong dịp này, Hội sẽ tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập (26/11/1988 - 26/11/2023).
Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Bình luận