Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 12:04
Hai cây sung và hai cây vối cổ thụ với gần 150 năm tuổi tại làng Chử Xá thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội tương truyền là quê hương của Đức Thánh Chử Đồng Tử - một trong tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian của người Việt vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Bốn cây cổ thụ vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nằm trong khu Lăng Chử Cù Vân (thân sinh ra Đức thánh Chử Đồng Tử) cách đình làng Chử Xá (huyện Gia Lâm) khoảng 800m về phía đông. Sau khi tu bổ Lăng Chử Cù Vân xong, người dân thôn Chử Xá đã trồng 02 cây sung và 02 cây vối ở vị trí bốn góc của lăng để đánh dấu sự kiện này.
Hai cây sung được trồng song song trước lăng có chu vi thân chính (cách 1,3m so với mặt đất) là 9,7 m chiều cao khoảng 17 m và đường kính tán khoảng 19 m.
Trong khi đó, hai cây vối được trồng ngay sát hai bên lăng với chu vi thân chính (cách 1,3 m so với mặt đất) từ 1,8 m-2,6 m, chiều cao khoảng gần 15 m, đường kính tán rộng khoảng 16 m. (Ảnh: Quý Tuệ).
Cây sung gồm 1 thân chính và mỗi cây có 8 nhánh phụ, tán cây rộng phủ kín của góc sân.
Trong khi đó, 2 cây vối đứng 1 thân chính và mỗi cây có 06 nhánh phụ. Hiện nay, cả 4 cây cổ thụ này đều vẫn đang xanh tốt và được cộng đồng địa phương quan tâm bảo vệ.
Thân cây sung Di sản mọc nhiều nhánh con, lá xanh tốt.
Qua thời gian, rễ và các nhánh cây lớn cuốn quanh tạo lớp vỏ bao trùm thân cây. Điều này cho thấy sức sống của cây mãnh liệt.
Không chỉ gắn với các nghi lễ, tâm linh, những cây sung, cây vối cổ thụ này từ lâu đã đi vào đời sống văn hóa của người dân địa phương.
Trước đó, theo đề xuất của Hội đồng Cây Di sản, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ký Quyết định công nhận 2 cây sung và 2 cây vối tại Lăng Chử Cù Vân (thôn Chử Xá, Gia Lâm, Hà Nội) là Cây Di sản Việt Nam.
Buổi lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam được chính quyền địa phương long trọng tổ chức vào sáng 10/10. TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (ngoài cùng bên phải) đến dự và trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương nơi đây cho biết, sẽ gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc thông qua Cây Di sản. Cây Di sản không chỉ là 'bảo vật' của cha ông mà còn là trách nhiệm bảo tồn của thế hệ sau.
Sự kiện bảo tồn, vinh danh cây Di sản (Cây Di sản Việt Nam) do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010. Đến nay đã có gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền vận động cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững.
Bài và ảnh: DƯƠNG PHÚC
Bình luận