Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 12:04
Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương có nhiều nhà chung cư (khu tập thể) cũ, những khu tập thể này phần lớn được xây dựng, sử dụng từ cách đây 40 đến 50 năm, thậm chí trên 50 năm và đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài nhếch nhác, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sống, những dãy nhà tập thể này luôn tiềm ẩn nguy cơ đổ sập nếu không được tháo dỡ, cải tạo kịp thời.
Tại Hà Nội, việc cải tạo, xây lại chung cư cũ được chính quyền Thủ đô quyết liệt triển khai trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay công tác cải tạo, xây lại chung cư cũ không được như kỳ vọng, hiệu quả thấp.
Khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) xây từ những năm 1960-1965, được bố trí theo hình thức tiểu khu, với thiết kế ban đầu gồm 22 khối nhà cao 4 tầng bố trí chạy dài song song. Đến nay đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng.
Tường vôi bong tróc, nứt vỡ lộ cả bê tông cốt thép phía trong. Đường ống cấp thoát nước thường xuyên bị hư hỏng, đặc biệt vào mùa mưa nước ngấm từ tầng thượng xuống tầng 4.
Tương tự, khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…cũng đã xuống cấp, hư hỏng, xập xệ. Ở các dãy nhà, nhiều mảng tường bị bong tróc, hành lang ẩm ướt, rêu mốc.
Tình trạng các khu nhà tập thể cũ nát, xập xệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp, thoát nước, phòng chống cháy nổ, xử lý chất thải…) hư hỏng, chắp vá không đảm bảo tiêu chuẩn, cộng thêm cư dân tùy tiện cơi nới diện tích, đấu nối đường dây điện, ống nước…khiến các dãy nhà này nhìn nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã xây dựng đề án, kế hoạch quyết liệt triển khai cải tạo, xây mới các chung cư cũ nhằm chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn, ổn định đời sống cho hàng nghìn cư dân góp phần đưa Thủ đô trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngoài việc kiểm định chất lượng các nhà chung cư, còn phải kiểm định, đánh giá hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nhà chung cư. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật, như: Phòng cháy, chữa cháy, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, giao thông nội bộ và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị, dẫn đến khó đánh giá kiểm định.
Bên cạnh đó, việc thống nhất phương án bồi thường giữa nhà đầu tư và các hộ gia đình (chủ sở hữu) còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chủ sở hữu thường yêu cầu hệ số k bồi thường cao, nhất là đối với hộ tại tầng 1, dẫn đến nhà đầu tư khó cân đối được hiệu quả tài chính của dự án. Đây cũng là một trong những khó khăn, trở ngại lớn ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Tiếp đến, công tác quy hoạch cũng gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu đô thị, một số nhà chung cư hiện trạng không phù hợp quy hoạch., ví dụ như nhiều vị trí nhà chung cư cũ trong quy hoạch được xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp 1-5 tầng… Do đó, cần nghiên cứu để có phương án xử lý phù hợp.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có khoảng trên 1.500 chung cư cũ (bao gồm trên 1.270 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận trung tâm. Hiện nay, các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Bài, ảnh: MỘC TRÀ
Bình luận