Hotline: 0941068156
Thứ hai, 24/02/2025 00:02
Bánh chưng không đơn thuần là một món ăn, mà là nguồn cội, là văn hóa, là sự tổng hòa của trời, đất với những tinh túy mà thiên nhiên ban tặng người Việt. Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết và nhớ Tết là nhớ về món bánh của Tổ tiên.
Trong Tết cổ truyền, tùy theo cách hiểu mà bánh chưng mang nhiều ý nghĩa khác nhau và đối với người dân Việt thì bánh trưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết, đặc biệt đối với người dân miền Bắc.
Vào những ngày cuối cùng của năm, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh và trông nồi bánh chưng đến tận giao thừa. Không khí gói bánh ngày Tết, người già dạy trẻ nhỏ, người biết dạy người mới tập gói, tạo nên sự ấm cúng, sum vầy của mỗi gia đình. Việt Nam là văn hóa lúa nước, phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên rất nhiều.
Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong... Gạo nếp chọn loại gạo ngon, to tròn, trắng phau, vo sạch để ráo nước, từng hạt chắc mẩy thơm ngát. Thịt lợn đầy đủ nạc, mỡ, bì cùng với đỗ xanh bỏ vỏ. Tất cả đều là những sản phẩm có được từ công việc trồng trọt và chăn nuôi truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa. Đơn giản như thế, nhưng chiếc bánh thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa.
Một điều cũng hết sức đặc biệt của bánh chưng là thời gian luộc bánh lên tới 10 - 12 tiếng đồng hồ, đủ lâu để tất cả nguyên liệu trong bánh hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất.
Nhiều người mặc dù đã sống trên Thành phố nhiều năm nhưng họ vẫn giữ thói quen tình làng nghĩa xóm, các nhà trong xóm cùng rủ nhau gói bánh chưng sau đó cùng nhau luộc chung một nồi, cùng nhau ngồi quây quần bên bếp lửa trong tiết trời se lạnh nồm ẩm của mùa xuân. Ngọn lửa của nồi bánh chưng đã nuôi dưỡng và lan tỏa ra hơi ấm tình cảm giữa con người với nhau.
Người dân vùi những củ khoai, nướng những bắp ngô bên nồi bánh chưng để cùng nhau chia sẻ những câu chuyện của năm cũ.
Bà Nguyễn Thị Sen ở Duy Tân – Cầu Giấy chia sẻ: Mặc dù chỉ cần ra ngoài chợ là đã có ngay bánh chưng nhưng bà vẫn muốn giữ nét văn hóa, phong tục, thói quen mỗi dịp Tết đến Xuân về, bánh chưng có thể mua ăn cả năm nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngồi với nhau tâm sự. Chỉ có những dịp Tết mọi người đều nghỉ ngơi sau một năm vất vả mới có cơ hội quây quần bên nhau.
Bạn Vũ Mỹ Linh ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết: Bản thân Hương năm nào cũng háo hức được gói và luộc bánh chưng. Hương thường xuyên rủ các bạn tới gói cùng vì nhiều bạn ở chung cư, không có không gian để trải nghiệm hoạt động này. Hương mong muốn sẽ có nhiều người thích việc gói bánh chưng này thay vì mua bánh chưng ở ngoài cửa hàng.
Nồi bánh chưng với ánh lửa hồng được duy trì bởi thanh củi gửi gắm mong muốn được lưu truyền và giữ được văn hóa, thói quen, bản sắc của việc gói bánh chưng thay vì mua sẵn. Đây cũng chính là cầu nối giữa các thế hệ, là không gian giao lưu trò chuyện của gia đình, hàng xóm.
Sau rất nhiều thời gian, công sức để nấu bánh, khi lấy bánh ra còn nóng hổi, bánh phải được rửa sạch và nén chặt lại trong vài tiếng để bánh được ráo nước, rền bánh và phẳng đều.
Vào các khu chợ ngày Tết, các trung tâm thương mại, không khó để bắt gặp những chiếc bánh chưng được bày bán xếp vuông vắn trên tủ kính, trên bàn. Với nhịp sống Hà Nội vội vã tấp nập, ai cũng bận rộn trong những ngày cuối năm nên không thể thiếu được dịch vụ bán bánh chưng luộc sẵn ngày Tết.
Bánh chưng không chỉ nhắc nhớ mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết cổ truyền.
Bài và ảnh: DƯƠNG PHÚC
Bình luận