Hotline: 0941068156
Thứ hai, 24/02/2025 00:02
Nếu không để ý kỹ, nhiều người lầm tưởng chỉ có cây đa. Tuy nhiên quan sát kỹ, trong cây đa là cây thị cổ thụ trên 500 năm tuổi.
Ghé Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) trong chuyến công tác về miền Yên Tử dịp xuân Giáp Thìn 2024, Phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường cùng nhiều du khách thích thú bởi nơi đây có cây đa cổ thụ rất lớn.
Tuy nhiên, điều khiến PV và nhiều du khách ngỡ ngàng, khó có thể tin là bên trong cây đa lớn là cây thị cổ thụ và nếu không để ý kỹ, ít ai có thể phát hiện ra điều kỳ diệu này.
Theo quan sát, vị trí cây đa ở phía sau của Thiền viện Trúc Lâm, cây có chiều cao ước khoảng 50m, tán lá rộng bao trùm toàn bộ một góc rộng của Thiền viện Trúc Lâm, đường kính gốc của cây ước khoảng 6m.
Cây đa có nhiều rễ rất lớn với đường kính khoảng 40cm, nhiều rễ trên 40cm. Gốc cây đa tạo thành 2 nhánh lớn.
Cây đa không có dấu hiệu bị sâu bệnh, mục nát. Nhìn tổng thể, cây đa có thế rất vững chắc bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, nhiều rễ của cây đa đã ôm toàn bộ cây thị. Thứ hai, nhiều rễ cây có đường kính lớn cắm sâu vào lòng đất tạo thành các trụ đỡ.
Cây đa không có dấu hiệu cho thấy bị sâu bệnh hay già cỗi. Bởi tán lá rộng và xanh ngát, phần gốc và thân vẫn có màu xanh, nhẵn (không đen xù xì như những cây cổ thụ khác).
Một phần của tán lá bao trùm một nửa của dãy nhà lớn trong Thiền viện Trúc Lâm.
Bên cạnh cây đa lớn này là cây thị cổ thụ. Theo quan sát, cây thị mọc sát cây đa và gần như bị rễ của cây đa bao phủ hoàn toàn, nếu không để ý kỹ, ít ai có thể phát hiện ra điều này. Qua thời gian, bên trong gốc cây bị rỗng, điểm rỗng cao khoảng 2,5m, vừa cho 3 người đứng bên trong.
Qua thời gian, tán lá, bộ rễ của cây đa đã bao trùm lên toàn bộ cây thị. Tuy nhiên, dù “lọt thỏm” bên trong cây đa và bị rỗng ruột nhưng cây thị vẫn xanh tốt, vững chắc vì được cây đa bảo vệ.
Anh Bùi Văn Khang (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, đây là lần thứ 3 anh đi chùa Yên Tử và lần đầu tiên anh ghé vào Thiền viện Trúc Lâm tham quan. Lúc đầu, Anh Khang và nhiều người khác chỉ biết đó là cây đa. Tuy nhiên, khi nhìn vào tấm biển “Cây Di sản Việt Nam” đặt ở dưới gốc cây mới biết có cả cây thị. “Mình không thể tin nổi, trong cây đa lại là cây thị, quả thực quá kỳ diệu”.
Cũng là người đi lễ chùa đầu xuân, đoàn của ông Phạm Thịnh (Hưng Yên) cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của cây đa và hết sức ngạc nhiên khi cây đa bao trùm toàn bộ cây thị. “Đúng là phải đi mới khám phá được những điều kỳ diệu, chứ cứ quanh quẩn ở nhà thì không thể biết được gì”, ông Thịnh nói và cười.
Cây đa và cây thị hàng ngày được chăm sóc kỹ và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Theo quan sát, gốc cây và bên trong điểm gốc rỗng của cây không có tình trạng thắp hương, đặt tiền lễ bái tùy tiện.
Chia sẻ với PV, ông Phan Hùng (đến từ Hà Nội) cho biết, cây đa này có giá trị rất lớn, bởi đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam. “Khiếp thật, nó nuốt luôn cả cây thị, thế mà cây thị vẫn xanh tốt bình thường”, ông Hùng lắc đầu, ngạc nhiên.
Theo tìm hiểu, cây đa và cây thị cổ thụ có tuổi đời trên 500 năm, 2 cây cổ thụ này được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam vào năm 2016.
Cũng tại thời điểm năm 2016, 142 cây khác (cây hồng tùng, thông nhựa, đại) trong quần thể di tích chùa Yên Tử có tuổi từ 200 – 700 năm cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản.
NHÓM PV
Bình luận