Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ năm, 20/02/2025 06:02
TMO - Việc phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong những vụ lúa trước đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc khai thác nguồn nước hồ chứa để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong vụ lúa Đông Xuân 2025, các địa phương cần tiếp tục sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước hồ thuỷ lợi để đảm bảo lượng nước tưới tiêu cho cây trồng, nhất là trong những tháng cao điểm khô hạn sắp tới.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 13 hồ chứa quy mô lớn và vừa với tổng dung tích trữ thiết kế gần 156 triệu mét khối. Các tổ chức thủy lợi đã điều tiết hơn 56 triệu mét khối nước hồ phục vụ làm đất, gieo cấy...
Ngoài ra, 4 hồ chứa thuỷ lợi có dung tích lớn trên 10 triệu m3 hiện đều đang đạt dung tích trên 97%, cụ thể: Hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây), hồ Suối Hai (huyện Ba Vì), hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) và hồ Đồng Sương (huyện Chương Mỹ). Riêng hồ Quan Sơn, dung tích thậm chí đang vượt so với thiết kế hơn 1 triệu m3.
Bên cạnh đó, nhờ có sự kết hợp nguồn nước lấy từ sông, kênh, các tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội, tính đến ngày 18-2, đã lấy và cấp đủ nước cho 76.966ha, tương ứng 96,5% diện tích gieo cấy vụ Xuân 2025. Trong đó 11 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công tác lấy nước, gồm: Sơn Tây, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng... Nông dân Hà Nội đã làm đất được 84,6% và gieo cấy được 61,2% diện tích lúa xuân 2025.
Các hồ thủy lợi có vai trò quan trọng đối với ngành Nông nghiệp Hà Nội, đặc biệt là những vùng không có nguồn nước sông thay thế, hỗ trợ. Tại huyện Sóc Sơn, với 8 hồ thủy lợi, địa phương này là nơi có số lượng hồ chứa lớn nhất thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, sau 2 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Xuân, hiện huyện Sóc Sơn vẫn còn hơn 1.200ha chưa có nước làm đất, gieo cấy lúa Xuân. Mặc dù vậy nhưng mực nước nhiều hồ thủy lợi ở Sóc Sơn hiện ở mức rất thấp. Sau đợt hai điều tiết nước hồ thủy điện, mực nước các sông của huyện Sóc Sơn xuống thấp, dung tích hồ chứa thủy lợi suy giảm, lượng mưa tiếp tục thiếu hụt... làm gia tăng nguy cơ thiếu nước gieo cấy và tưới dưỡng lúa Xuân.
Đại diện Cụm Thủy lợi Hàm Lợn (Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) cho biết, hồ Hàm Lợn được thiết kế trữ nước đến cao trình 48m, làm nhiệm vụ cấp nước trực tiếp cho 80ha sản xuất nông nghiệp của xã Nam Sơn, tạo nguồn cấp cho 15ha của xã Hiền Ninh.
Lượng nước tại hồ Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) hiện nay thấp hơn mực nước thiết kế, nếu không có mưa sẽ gây khó khăn trong việc cấp nước tưới.
Đến thời điểm này, mực nước hồ Hàm Lợn chỉ còn 41,2m, thấp hơn mực nước thiết kế gần 7m, chỉ đủ gieo cấy và 1-2 đợt tưới dưỡng lúa Xuân. Nếu từ nay đến tháng 5-2025, thời tiết không xuất hiện mưa lớn, bổ sung nguồn cho hồ thì việc cấp nước tưới dưỡng cho các xã Nam Sơn và Hiền Ninh sẽ rất khó khăn...Tương tự Hàm Lợn, mực nước nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, như: Cầu Bãi, Kèo Cà, Đền Sóc, Đồng Đò... đang ở mức rất thấp.
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cho biết, từ tháng 10-2024 đến nay, trên địa bàn Sóc Sơn không xuất hiện các trận mưa lớn, bổ sung cho hồ. Hơn nữa do đồng đất khô hạn, đơn vị phải điều tiết khối lượng lớn nước hồ phục vụ nông dân làm đất, gieo cấy lúa Xuân trong khung thời vụ.
Tính đến ngày 18-2, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn đã cấp đủ nước cho 89,3% diện tích vụ xuân ký hợp đồng với huyện Sóc Sơn...Để cấp đủ nước cho diện tích còn lại gieo cấy trong khung thời vụ và các đợt tưới dưỡng lúa Xuân, công ty đã yêu cầu các xí nghiệp quản lý chặt chẽ nguồn nước còn lại trong hệ thống; rà soát, điều chỉnh phương án cấp nước gieo cấy, tưới dưỡng lúa sát với nguồn nước thực tế và thông tin dự báo về khí tượng, thủy văn.... Để sử dụng hiệu quả khối lượng nước hồ thủy lợi còn lại, nguồn nước đã cấp trên đồng ruộng, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi quản lý, vận hành hồ đúng quy trình, thời vụ; phát huy tối đa năng lực các trạm bơm dã chiến lấy nước sông để phục vụ gieo cấy và trữ nước tưới dưỡng.
Các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động nông dân, đối với những diện tích chauw đủ nước, cần khẩn trương dẫn nước lên ruộng, làm đất, gieo cấy, thực hiện các biện pháp gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước... Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong tháng 3 và 4-2025, tổng lượng mưa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Riêng tháng 5, lượng mưa có thể cao hơn 10-20%. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, mưa có thể phân bố không đồng đều, tăng nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp... Do đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thủy lợi theo dõi chặt chẽ nguồn nước, kịp thời vận hành các trạm bơm dã chiến để đưa nước lên ruộng phục vụ gieo cấy và dự trữ trong ao, hồ, kênh mương phục vụ giai đoạn tưới dưỡng.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên ruộng, tránh thất thoát...Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để sớm có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm tải áp lực về nguồn nước cho các hồ chứa thuỷ lợi.
Để bảo đảm nguồn nước chống hạn cho toàn vụ Xuân 2025, các doanh nghiệp thuỷ lợi cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá để cân đối nguồn nước trong các hồ chứa thuỷ lợi. Kết hợp với đó là quản lý, vận hành tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nước hồ chứa phục vụ mục tiêu sản xuất và dân sinh.
Đối với các địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị rà soát kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2025, trên cơ sở bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước. Hệ thống hồ chứa thủy lợi tại TP.Hà Nội đóng vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp tại đây. Những hồ chứa lớn, với khả năng trữ nước không chỉ giúp duy trì nguồn nước tưới tiêu mà còn giúp bảo vệ các diện tích sản xuất khỏi nguy cơ hạn hán thiếu nước. Do đó, cần sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước từ hồ chứa thuỷ lợi để đảm bảo sự sinh trưởng, năng suất của diện tích lúa Xuân 2025 cũng như toàn bộ diện tích nông nghiệp trên toàn thành phố.
Đức Anh
Bình luận